Kết luận của Viện dược liệu về cây “thần dược” xáo tam phân ở Khánh Hòa
Thời gian gần đây, ở xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) rộ lên tin đồn có một loại cây rừng có khả năng chữa được nhiều chứng bệnh nan y, đặc biệt là bệnh xơ gan cổ trướng. Lẽ thường, có bệnh thì vái tứ phương, nên khi nghe tin đồn, không ít người bệnh đã đổ về Ninh Vân mua thuốc sắc uống để cầu khỏi bệnh.
Tuy công dụng của loại cây rừng bí ẩn này chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, thậm chí, người ta còn chưa biết tên của loại cây này, nhưng không ít người dân ở Ninh Vân vẫn liều mình làm thầy lang, bốc cây thuốc này để chữa bệnh.
Không biết mức độ quý hiếm của loại “thần dược” này đến mức nào, nhưng chỉ bằng việc bán thân và rễ cây (giá 70 - 100 ngàn đồng/kg) mỗi ngày các “thầy lang” ở đây thu lợi hàng triệu đồng. Liệu đây có phải là “thần dược” hay chỉ là lời đồn?
Lần theo tin đồn
Một buổi sáng Thứ bảy, có 2 phụ nữ tìm đến tòa soạn cung cấp thông tin về một loại thuốc có khả năng chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là bệnh xơ gan cổ trướng. Một trong hai người giới thiệu tên là Trần Thị Xuân Hồng, thường trú thôn Tây, xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) và đang cần đăng thông tin trên báo.
Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, bà Hồng đã lấy trong túi ra một bọc thuốc gồm thân, rễ và một nhánh cây con để dẫn chứng về bài thuốc “cải tử hoàn sinh” mà bà đang muốn thông tin để cứu người. Giới thiệu về thuốc, nhưng bà Hồng lại không hề biết đây là loại cây gì bởi theo bà, đây là bài thuốc dân gian của người dân tộc thiểu số.
Tôi thấy thật khó tin khi nhìn “thần dược” chữa bệnh xơ gan cổ trướng trông chẳng khác gì loại rễ cây thông thường. Bà Hồng quả quyết: “…không tin, cứ tìm gặp ông Lê Hăng trú xã Ninh Vân sẽ rõ! Cách đây 2 năm, ông này bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối, bệnh viện đã trả về; gia đình cũng đã chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng sau khi có người bày cho uống rễ cây này, ổng đã hết bệnh, hiện rất khỏe mạnh và còn có thể làm được nhiều việc nặng nhọc, thậm chí nhậu bí tỉ mà chẳng việc gì…”.
Theo bà Hồng, ông Hăng là bạn thân của gia đình; chính vợ chồng bà đã cùng đi tìm và đào loại cây rừng này về chữa bệnh cho ông Hăng nên muốn nhiều người bệnh cùng biết.
Thấy tôi nửa tin nửa ngờ, bà Hồng còn ghi lại địa chỉ và số điện thoại của ông Lê Hăng để tôi có thể “mắt thấy, tai nghe” chuyện người được “cải tử hoàn sinh” nhờ “thần dược” này và không quên nhắn nhủ: “Nhà báo nên tìm hiểu kỹ rồi thông tin cho mọi người biết công dụng trị bệnh của loại thuốc này”.
Thực hư chuyện ông Hăng khỏi bệnh
Tìm gặp “bệnh nhân”, tôi được “mục sở thị” một ông Hăng khỏe mạnh, người phốp pháp. Ông không hề có biểu hiện của người bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối. Được hỏi về căn bệnh của mình, ông Hăng phấn chấn kể: “Tôi vốn là một người có máu nghệ sĩ, đàn giỏi hát hay nên hầu hết cuộc vui nào trong làng cũng được mọi người gọi tham gia cho vui vẻ.
Cây thuốc đã được ông Lê Hăng xắt nhỏ phơi khô – Ảnh: VĂN KỲ (Thanh Niên)
Do làm bạn với “ma men” thường xuyên nên tôi bị bệnh gan cũng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, do chủ quan nên thời gian đầu, tôi không hề điều trị hay đi khám ở trung tâm y tế nào. Cuối năm 2010, cơ thể tôi bỗng dưng biến dạng, bụng trướng to, ăn uống kém, chân tay sủi vẩy và lớn bất thường, sắc mặt vàng bệch, thường xuyên đau bụng và khó khăn khi đại tiện.
Tới Phòng khám Đa khoa Phúc Lộc ở đường Trần Quý Cáp (TP. Nha Trang), tôi được bác sĩ chẩn đoán xơ gan - bụng đa ổ dịch và bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Tuy vẫn kê toa thuốc, nhưng bác sĩ ở đây cũng lắc đầu và khuyên vợ tôi về “chuẩn bị tinh thần”.
Về nhà, vợ tôi cũng cho tôi uống đủ thuốc Đông, Tây y nhưng bệnh không hề thuyên giảm. Do bệnh ngày một nặng, đi đứng, ăn ở, vệ sinh đều phải có vợ chăm nên nhiều lúc tôi nản lắm. Tình cờ, một người bạn tên Sinh - công nhân làm đường ở Ninh Vân ghé thăm, đưa cho tôi mấy bịch rễ cây, bảo tôi sắc uống thử vì đây là bài thuốc của người dân tộc thiểu số.
Nói thật, khi dùng loại rễ này, tôi cũng không tin mình có thể khỏi bệnh, nhưng “có bệnh thì vái tứ phương”. Vậy mà sau khi uống được 1 tháng, tôi thấy cơ thể chuyển biến rõ rệt, bụng và chân tay có dấu hiệu xẹp xuống.
Thấy thuốc chữa có hiệu quả, được sự hướng dẫn của anh Sinh, vợ tôi đã nhờ mấy người bạn, rồi thuê thêm người lên núi Hòn Hèo tìm loài cây rừng này để tiếp tục sắc uống. Sau khoảng 6 tháng dùng thường xuyên, cơ thể tôi có dấu hiệu hồi phục, việc đi đứng, ăn uống trở lại bình thường.
Từ đó đến nay, tôi vẫn uống đều loại thuốc này như uống trà. Năm ngoái, khi tôi đi khám ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, bác sĩ khẳng định bệnh của tôi đã khỏi”.
Theo ông Hăng, việc ông thoát chết là chuyện mà mọi người trong làng đều không tin nổi. Vì thế, sau khi ông Hăng khỏe, nhiều người dân trong làng bị bệnh gan, gút, cao huyết áp, mạch lươn… đều đi đào rễ cây về dùng thử và đều khỏi bệnh! Vì thế, người dân trong làng đều tin cây này là “thần dược”! Tuy nhiên, khi tôi gạn hỏi thông tin về “ân nhân” cho cây thuốc, ông Hăng lại mơ hồ, không rõ địa chỉ, chỉ nói người đó tên Sinh, một công nhân đến Ninh Vân làm đường mà tình cờ ông quen trong một cuộc nhậu.
Đâu là sự thật?
Chuyện ông Hăng thoát căn bệnh hiểm nghèo đã gây chú ý cho nhiều người bệnh khác. Người nào có bệnh nan y, đặc biệt là xơ gan cổ trướng, nghe thông tin này, đều tìm đến ông Hăng để mua “thần dược” về điều trị.
Chuyện ông Hăng thoát căn bệnh hiểm nghèo đã gây chú ý cho nhiều người bệnh khác. Người nào có bệnh nan y, đặc biệt là xơ gan cổ trướng, nghe thông tin này, đều tìm đến ông Hăng để mua “thần dược” về điều trị.
Ngoài ông Hăng, không ít người dân ở Ninh Vân bỗng dưng trở thành thầy lang bốc thuốc, đoán bệnh. Và chỉ riêng việc bán thân, rễ cây “thần dược” với giá 70 - 100 ngàn đồng/kg, mỗi ngày, các “thầy lang” ở đây cũng thu được hàng triệu đồng. Theo bà Hồng (người cung cấp thông tin ban đầu), hiện nhiều người ở các tỉnh như: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh… đều đổ xô về Ninh Vân mua thuốc, thậm chí, nhiều người còn mua để gửi sang Mỹ, Canada cho người thân dùng!
Hiện nay, mỗi ngày đều có hàng chục người lên núi Hòn Hèo đào “thần dược”. Có “người thực việc thực” chứng minh, được nhiều người trong làng tin dùng, hơn nữa, “thần dược” lại bán được nhiều tiền nên cây này hiện rất khan hiếm. Cũng vì muốn thông tin cho nhiều người biết, bà Hồng đã sốt sắng nhờ chúng tôi nêu rõ tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại của bà lên mặt báo “để người bệnh tiện liên lạc”.
Bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân khẳng định: “Việc ông Hăng bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối là có thật, thậm chí gia đình đã chuẩn bị hậu sự. Nhưng sau khi được một người bạn bày cho uống một loại rễ cây rừng mọc trên núi Hòn Hèo thì ông ấy đã khỏe hẳn. Chính vì chứng kiến ông Hăng khỏi bệnh một cách thần kỳ nên trong làng, 10 người thì có tới 6 - 7 người tin dùng loại thuốc này”.
Theo bà Sen, chính từ trường hợp của ông Hăng mà nhiều người bệnh khác, đặc biệt là bệnh gan, cũng được cứu sống nhờ bài thuốc này.
Theo quan sát của chúng tôi, loại cây rừng này thân gỗ, có gai dài, lá nhỏ, thon dài, rễ và thân có mùi thơm giống như một vị thuốc nam. Để sử dụng, người dân đem sao vàng, sau đó cho vào nồi đun sôi rồi uống như nước trà; mỗi lần nấu khoảng 2 lạng cây với 2 lít nước.
Theo người dân, tuy đã đi chặt cây, đào rễ gần 1 năm nay nhưng chưa thấy cây này ra hoa, kết trái. Thực tế, hiệu quả chữa bệnh của loại cây rừng bí ẩn này chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, thậm chí người ta không biết đây là loại cây gì.
Tiến sĩ y học Nguyễn Thướng, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: “Hầu hết những cây thuốc quý đang sử dụng trong Đông y thường bắt nguồn từ kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy loại cây này. Tôi khẳng định loại cây này không nằm trong danh mục các cây thuốc, vị thuốc, bài thuốc được sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh Đông y.
Để hiểu rõ về cây thuốc, phải có cơ quan chức năng như Viện Dược liệu Trung ương phân tích, thử nghiệm sinh học, hóa học…, từ đó xác định đây có phải loại thuốc quý hay không. Hội Đông y có chức năng cùng ngành Y tế bảo tồn, phát huy vốn quý y học cổ truyền, kinh nghiệm điều trị trong dân gian nên hoan nghênh mọi thông tin về các cây thuốc quý.
Tuy nhiên, nếu chưa được cơ quan chuyên môn kiểm chứng thì người dân không nên lạm dụng và tin tưởng mù quáng, bởi chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh một loại cây có thể trị bá bệnh”.
Đây không phải lần đầu tiên ở Khánh Hòa có tin đồn về “thần dược” trị các chứng bệnh nan y. Lẽ thường, “có bệnh thì vái tứ phương”, nên không lạ khi có nhiều người bệnh đang đổ về Ninh Vân mua cây thuốc sắc uống để mong khỏi bệnh. Thông tin về “thần dược” chữa bách bệnh là sự thật hay tin đồn, rất cần cơ quan chuyên môn sớm kiểm chứng. Nhưng sự thực là đã có không ít “thầy lang” tự phong đang chẩn bệnh, bốc thuốc và thu tiền của người bệnh.
Đây không phải lần đầu tiên ở Khánh Hòa có tin đồn về “thần dược” trị các chứng bệnh nan y. Lẽ thường, “có bệnh thì vái tứ phương”, nên không lạ khi có nhiều người bệnh đang đổ về Ninh Vân mua cây thuốc sắc uống để mong khỏi bệnh. Thông tin về “thần dược” chữa bách bệnh là sự thật hay tin đồn, rất cần cơ quan chuyên môn sớm kiểm chứng. Nhưng sự thực là đã có không ít “thầy lang” tự phong đang chẩn bệnh, bốc thuốc và thu tiền của người bệnh.
Qua kiểm nghiệm ban đầu, Viện Dược liệu đã xác định mẫu cây Sở Y tế tỉnh Khánh Hoà gửi là Cây thuốc xáo tam phân (tên khoa học là Paramignyatrimera). Cây chứa 2 thành phần chủ yếu là courmarin và triterpenoid, ngoài ra còn có các thành phần flavonoid, saponin, alcaoid.
Thí nghiệm trên chuột nhắt cho thấy loại cây này có độc tính thấp, có tác dụng ức chế tốt viêm gan cấp; ức chế, tiêu diệt được 5 dòng tế bào ung thư là ung thư gan Hep- G2, ung thư đại tràng HTC116, ung thư vú MDA MB231, ung thư buồng trứng OVCAR-8, ung thư cổ tử cung Hela.
Đặc biệt có tác dụng mạnh đối với 2 dòng tế bào ung thư gan Hep- G2 và ung thư cổ tử cung Hela. Thí nghiệm lâm sàng cũng cho thấy, cây xáo tam phân khá an toàn khi sử dụng.
Sở Y tế Khánh Hòa đang đề nghị Bộ y tế và các đơn vị liên quan hướng dẫn bước cần thiết để khẳng định cây xáo tam phân có tác dụng điều trị trên người hay không.
Đồng thời đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương liên quan có biện pháp bảo vệ nguồn gen cây xáo tam phân tránh bị khai thác quá mức như hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét